Được sáng lập bởi Tiến sĩ người Ý Maria Montessori – nhà giáo dục, bác sĩ người Ý, Montessori là một phương pháp giáo dục trẻ duy nhất trên thế giới học tập thông qua các giao cụ trực quan, với mô hình trẻ là trung tâm và giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn.
Đặc điểm nổi trội ở phương pháp Montessori chính là tôn trọng cá tính riêng biệt, tính tự lập, tự do mang tính kỷ luật của mỗi trẻ. Ngoài ra, phương pháp này rất tôn trọng sự phát triển tâm sinh lý tự nhiên của trẻ, cũng như trang bị đầy đủ cho trẻ các kiến thức thực tiễn. Giáo dục trẻ bằng Montessori sẽ xây dựng nền tảng cơ bản cho mỗi đứa trẻ ngay từ những năm đầu đời, đặc biệt là giai đoạn từ 2 đến 6 tuổi. Qua đó, trẻ được phát triển đồng đều về mặt não bộ, khả năng thu nhận kiến thức cũng như hình thành những kỹ năng xã hội từ rất sớm, có kỹ năng học tập độc lập, giao tiếp hiệu quả, tinh thần hợp tác và đoàn kết cao.
Dựa trên tương tác với môi trường, thông qua hoạt động của đôi bàn tay trong học tập với giáo cụ trực quan, trẻ chủ động tiếp cận và ghi nhận kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: Thực hành cuộc sống, Nghệ thuật, Giác quan, Toán học, Ngôn ngữ và Văn hóa (bao gồm Khoa học, Lịch sử, Địa lý).
Thực hành cuộc sống: Nền tảng của sự TỰ LẬP
Trong lĩnh vực thực hành cuộc sống trẻ sẽ có cơ hội thực hành các bài học đa dạng, gắn liền với cuộc sống thường ngày như tự cởi- mặc quần áo, thắt dây giày, tự dọn bàn ăn, chăm sóc cây, cắt- gọt rau, củ, quả; biết phép lịch sự nhã nhặn như: chào hỏi lịch sự, biết nói lời cảm ơn – xin lỗi…
Qua đó, trẻ có thể tự xây dựng và hình thành các kỹ năng quan trọng về các phép tắc, lễ nghi, tác phong lịch sự, kỹ năng tự chăm sóc bản thân, chăm sóc môi trường cùng những đức tính như tính tự lập, chủ động, sự tự tin, tính kỷ luật, tinh thần hợp tác và tình yêu thương.
Khám phá thế giới với lĩnh vực GIÁC QUAN
“There is nothing in the intellect that is not first in the senses” - “Không có trí tuệ nào mà không bắt nguồn từ các cảm giác”.
Tại khu vực giác quan trẻ được rèn luyện, phát triển 5 giác quan đồng thời kích thích não bộ phát triển thông qua những bài học giác quan sinh động. Trẻ được làm quen với các khái niệm về độ lớn, chiều cao, chiều dài, độ dày, mỏng…thông qua giáo cụ Tháp hồng, thang nâu, gậy đỏ, khối trụ có núm, không núm. Trẻ được nhận biết về màu sắc, đẳng thức, các khối hình và các hình học… Trẻ được luyện tập, phát triển các giác quan với các giáo cụ: Hộp luyện thính giác, Bảng nhám mịn, hộp phân biệt vải, Túi bí mật,…
Trong các bài học trẻ phải sử dụng tối đa các giác quan (thị giác, xúc giác, thính giác, vị giác và khứu giác) để khám phá thế giới xung quanh, nhận biết đối tượng hay so sánh và phân loại đối tượng. Từ đó giác quan của trẻ được rèn luyện linh hoạt hơn, mang lại cho trẻ sự hiểu biết toàn diện, góp phần loại bỏ cách nhìn nhận phiến diện, chủ quan trong tương lai.
Toán học nền tảng của TƯ DUY LOGIC
Toán học là khái niệm trừu tượng nhất mà bộ não phải tư duy. Những con số không thể tự định nghĩa được mình mà đều do trí tuệ của con người định nghĩa thông qua quá trình học tập và trải nghiệm. Với độ khó tăng dần, các giáo cụ toán học trong lớp Montessori sẽ dạy trẻ cách tư duy toán học cụ thể, mang lại cho trẻ những hiểu biết căn bản và chắc chắn về toán học. Ngoài ra khi làm việc với các giáo cụ trong góc toán, trẻ phát triển khả năng tư duy, suy luận; trẻ hiểu rõ một quá trình thông qua việc lặp đi lặp lại một công việc.
Với lộ trình bài học cụ thể, chi tiết, đảm bảo nguyên tắc từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ đến khó, từ trực quan đến trừu tượng; hệ thống giáo cụ trực quan sinh động - toán học trong Montessori đến với trẻ một cách vô cùng nhẹ nhàng và đầy thú vị.
Ngôn ngữ nơi BÀY TỎ BẢN THÂN
Một trong những điều quan trọng nhất trong 5 năm đầu đời của trẻ là phát triển ngôn ngữ. Góc ngôn ngữ trong phòng học Montessori được thiết kế từ đơn giản tới phức tạp, giúp trẻ biết cách cầm bút, sử dụng các nét bút phục vụ cho việc học viết về sau. Với bảng chữ cái cát hay các xô âm, bảng chữ cắt… giúp trẻ nhận biết các nguyên âm, phụ âm, âm ghép và âm vị của chúng, đọc, hiểu và tạo từ, câu ngắn và rèn kỹ năng đọc sách đúng nguyên tắc từ trên xuống dưới, từ trái qua phải…
Những hoạt động mới mẻ cùng kế hoạch bài học cụ thể sẽ kích thích ngôn ngữ của trẻ, giúp trẻ có thể ghi nhớ và tăng vốn từ vựng 1 cách tự nhiên không gò ép. Đây sẽ là nền tảng giúp trẻ phát huy khả năng sử dụng ngôn ngữ thành thạo, nắm vững các ngữ pháp cơ bản, trật tự câu giúp trẻ chuẩn bị sẵn sàng cho các bậc học tiếp theo.
Văn hóa THẾ GIỚI THU NHỎ
Lĩnh vực Văn hóa trong lớp học Montessori bao gồm các góc Địa lý, Lịch sử, Khoa học, giúp trẻ tiếp cận với những lĩnh vực “học thuật” một cách tự nhiên và ghi nhớ dễ dàng.
+ Lịch sử: Với những vật cụ thể, mô hình sống động, lĩnh vực Lịch sử trong Montessori dạy trẻ cách định hướng về thời gian thông qua các đơn vị đo thời gian (giờ, phút, ngày, tháng,…) và các mốc thời gian (cá nhân, nhân loại,…). Từ đó, trẻ có thể nhận nhận biết và sắp xếp các sự kiện xảy ra theo thời gian, phân biệt các đơn vị thời gian…
+ Khoa học: Tìm hiểu về thế giới động vật, thế giới thực vật, vũ trụ và trái đất,… Sử dụng hình ảnh chân thực, khách quan, các giáo cụ sinh động để trẻ tiếp cận với thế giới tự nhiên một cách khoa học và tự nhiên nhất. Từ đó, trẻ có thêm cơ hội khám phá kiến thức, xây dựng sự tò mò, ham học hỏi và phát huy khả năng sáng tạo của mình.
+ Địa lý: Trẻ được tìm hiểu về địa lý tự nhiên (về tên gọi, vị trí, đặc điểm các châu lục,…) và địa lý văn hóa (về trang phục, quốc kỳ, đặc trưng văn hóa,…). Qua đó, trẻ sẽ phát triển nhận thức đầy đủ hơn về thế giới, giúp trẻ thêm yêu các nét văn hóa các châu lục.
Nghệ thuật nơi THỂ HIỆN SÁNG TẠO VÀ RÈN LUYỆN SỰ KHÉO LÉO
Góc nghệ thuật hỗ trợ phát triển óc sáng tạo cho trẻ, giúp trẻ tăng cường khả năng quan sát và thể hiện cá tính riêng của bản thân. Trẻ được học cắt, dán, xé, nặn, vẽ và xếp hình,… Ngoài ra, trẻ cũng sẽ biết cách sử dụng tư duy sáng tạo để tạo nên các sản phẩm như tranh màu sáp, tranh màu nước, tác phẩm xé dán.
Tất cả các lĩnh vực này gắn bó chặt chẽ với nhau theo cách bổ xung, hỗ trợ cho nhau. Đồ chơi và các dụng cụ học tập khác được bày trong lớp để trẻ có thể nhìn thấy và có lựa chọn cho riêng mình rồi quyết định một hoạt động – được gọi là “công việc” – theo sở thích của mình.